Skip to main content

[Chứng Khoán] P/E là gì? Đầu tư chứng khoán bằng chỉ số P/E

Chỉ số P/E là gì?

Chỉ số P/E (viết tắt của chỉ số Price to Earning ratio) là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) và thu nhập trên một cổ phiếu (EPS).

Công thức tính chỉ số P/E

                                  Giá thị trường của cổ phiếu (P)
                    P/E =   -----------------------------------------------------
                                  Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS)

Trong đó ESP được tính bằng :

                                   Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi
                    EPS =   -------------------------------------------------------------------
                                   Tổng số cổ phiếu thường đang lưu hành

Ý nghĩa của chỉ số này thể hiện mức giá mà bạn sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu.

Hay bạn sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho cổ phiếu của một doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận (thu nhập) của doanh nghiệp đó.

Ví dụ: 

Giả sử giá thị trường của cổ phiếu A tại thời điểm 31/12/2020 là 20.000 đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm của công ty này là 2.000 đồng. Như vậy, P/E của cổ phiếu A lúc này là 10.

Chỉ số P/E thể hiện điều gì?

 

Thông thường, chỉ số P/E cao thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó sẽ cao hơn trong tương lai.

Với P/E cao

Với P/E cao là sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó sẽ cao hơn trong tương lai.

Với nhà đầu tư chuyên nghiệp thường sẵn sàng trả một mức cao hơn cho những doanh nghiệp hàng đầu. Vì thế mà những doanh nghiệp hàng đầu này luôn có chỉ số P/E rất cao.

Ví dụ: P/E của CTCP Sữa Việt Nam (Mã: VNM) luôn duy trì ở mức cao trong các năm qua. Thậm chí có lúc còn cao hơn trung bình toàn thị trường.

Thực tế cũng đã chứng minh, mua cổ phiếu VNM với P/E cao là một đầu tư đúng đắn bời giá cổ phiếu VNM liên tục tăng kể từ khi niêm yết.

Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng…

Chỉ số P/E cao đôi khi là biểu hiện việc doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả khiến EPS thấp làm cho chỉ số P/E cao hơn thậm chí cao đến mức phi lí.

Ví dụ: P/E của CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã : ROS) hiện nay là hơn 2000. Bởi EPS chỉ có 2 đồng và giá là 4.960 đồng. Chỉ số P/E cao nhưng kinh doanh không hiệu quả nên giá cổ phiếu liên tục giảm trong nhiều năm.

Với P/E thấp

Có rất nhiều lý do để doanh nghiệp có chỉ số P/E thấp ở một thời điểm thậm chí có giá trị là âm.

Có thể doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn so với thời gian trước. Vì thế, lợi nhuận trên 1 cổ phần (EPS) tăng lên, khiến cho P/E thấp. Trong trường hợp này có thể nói cổ phiếu đang bị định giá thấp và là cơ hội để chúng ta mua vào.

Tuy nhiên, P/E thấp có thể do doanh nghiệp thu được lợi nhuận bất thường (từ thanh lý tài sản, hay bán công ty con,…) không phải xuất phát từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Do đó, chững khoản lợi nhuận này sẽ không bền vững trong tương lai.

Hoặc cũng có thể là do các cổ đông hiện hữu, họ không còn thấy khả năng phát triển của doanh nghiệp, nên quyết định bán chốt lời. Khiến giá cổ phiếu giảm từ đó dẫn tới P/E thấp.

Với những trường hợp này, chỉ số P/E ở mức thấp có thể sẽ duy trì trong một khoảng thời gian, nhưng có lẽ cổ phiếu đó không được coi là rẻ, bởi triển vọng phát triển của doanh nghiệp không còn tươi sáng.

Vậy chỉ số P/E nào mới tốt ?

Như phân tích ở trên, thật khó để nói rằng chỉ số P/E nào đó là tốt.

Chỉ số P/E hiện tại cao hay thấp không có nhiều ý nghĩa nếu đứng một mình. Nó cần được đem ra so sánh với P/E toàn ngành cũng như với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng của công ty trong tương lai.

Vậy nên P/E cao thấp tùy vào từng ngành, từng thời điểm và không dùng P/E như một quyết định đầu tư.

Ưu và nhược điểm của P/E

Ưu điểm của P/E

+ Đơn giản, dễ tính và dễ sử dụng

+ Khá hiệu quả để đánh giá nhanh lợi nhuận của công ty (Thông qua EPS)  và tâm lý thì trường của cổ phiếu (Price)

+ Có thể áp dụng để tính P/E của thị trường chung VNIndex.

Ví dụ: năm 2018,  P/E của toàn bộ VNIndex tăng từ 17 đên 22 trong thời gian ngắn thể hiện một sự hưng phấn của các nhà đầu tư trên thị trường.

Nhược điểm của P/E

+ Chỉ số P/E âm sẽ không được sử dụng được khi doanh nghiệp trong giai đoạn thua lỗ. EPS âm

+ EPS có thể bị thay đổi bởi nghiệp vụ kế toán, khiến cho chỉ số P/E cũng mất đi độ chính xác.

Nghịch đảo của chỉ số P/E

Nghịch đảo của chỉ số P/E (EPS/Price) hay còn được gọi là Earning Yield cho bạn biết mức lợi tức mà doanh nghiệp kiếm được trong năm hiện tại.

Ví dụ: P/E của cổ phiếu NT2 năm 2019 là 8,5 lần, có nghĩa là doanh nghiệp sẽ mất 8,5 năm hoạt động để trả đủ thị giá hiện tại 21,650 đồng/cổ phiếu.

Và E/P của cổ phiếu NT2 sẽ là  1/8,5 = 11,76%.

Điều này có nghĩa là nếu bạn mua NT2 với giá 21,650 đồng/cổ phiếu, mỗi năm doanh nghiệp sẽ mang lại mức lợi tức khoảng 11,76%.

Cách đầu tư cổ phiếu với chỉ số P/E

Chỉ số P/E chỉ có tác dụng thực sự khi chúng được đánh giá giữa các cổ phiếu cùng ngành cùng quy mô,  ở cùng hoàn cảnh, điều kiện như nhau.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến P/E  như tốc độ tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh, độ an toàn hay rủi ro về mặt tài chính, ngành kinh doanh, điều kiện vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tốc độ tăng trưởng GDP… 

Khi các điều kiện kinh doanh, tài chính, vĩ mô như nhau, thì chỉ số P/E càng thấp càng tốt.

Thực sự đánh giá chỉ số P/E như thế nào là tốt hay hợp lý là điều rất khó, tuy nhiên nếu bạn xem trọng P/E thì lưu ý vài góc độ sau:

+ Công ty thuộc ngành phát triển nhanh hay không, (nếu chỉ tăng trưởng 5-7% mà P/E vẫn cao ngất ngưởng, chứng tỏ giá cổ phiếu quá cao) và ngược lại nếu công ty thuộc ngành phát triển nhanh như ngành bán lẻ như MWG, PNJ,... có thể có mức P/E sẽ luôn có mức cao hơn những công ty thuộc ngành tốc độ tăng trưởng thấp như HPG, VHC

+ Chỉ số P/E nên được so sánh doanh nghiệp cùng ngành (so sánh P/E của một công ty điện lực với P/E của công ty kỹ thuật cao là điều vô nghĩa).

+ Mức độ lạm phát, lãi suất trái phiếu như thế nào? Chỉ số P/E toàn thị trường sẽ luôn đi ngược chiều với 2 yếu tố này.

+ Doanh nghiệp có tính chu kỳ thì P/E sẽ biến động theo chu kỳ.

+ P/E cao thường mang tính rủi ro hơn so với P/E thấp,

+ P/E cao cũng thường gắn liền với những công ty tăng trưởng, P/E thấp là đặc tính thường thấy của cổ phiếu giá trị.

v.v…

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư chứng khoán chỉ thuần về sử dụng P/E, các nhà đầu tư chỉ nên xem xét các doanh nghiệp có P/E < 1/ Lãi suất ngân hàng.

Ví dụ:

Lãi suất ngân hàng = 6.5%, thì  khi đó P/E < 15.4 .

Tuy nhiên để an toàn, bạn có thế hạ xuống mức thấp hơn nữa, ví dụ P/E < 10 chẳng hạn.

Thông thường, P/E từ 5-12 là bình thường. Khi bạn mua cổ phiếu có chỉ số P/E cao trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện tại  P/E > 15, bạn phải đảm bảo đây là công ty chất lượng tốt, hoặc bạn định giá cổ phiếu dựa trên phương pháp khác.

Đây chỉ là phương pháp tham khảo không phải là hướng dẫn chính xác nên người đọc cần cân nhắc khi sử dụng.