Thách thức và chuyển đổi của "Startup công nghệ" ngày nay là bài viết được chia sẻ bởi một lập trình viên với 15 năm kinh nghiệm với góc nhìn đầy chi tiết về Startup Công Nghệ ngày nay.
Điều mình trăn trở và suy nghĩ nhiều nhất trong suốt 3 năm qua về startup công nghệ chính là một tương lai đầy thử thách, khắc nghiệt cho startup công nghệ. Chẳng hiểu từ bao giờ mà vùng đất hoang màu mỡ công nghệ đã trở nên cằn cỗi hơn bao giờ hết.
Thách thức của các Startup công nghệ:
1 - Mất đi lợi thế công nghệ:
Một điều dễ nhận thấy nhất là giờ khi mở apps ngân hàng hay gần đây là dùng apps Xanh của Vin, mình thấy rằng khoảng cách giữa công ty công nghệ và big corp (các công ty lớn) gần như không còn nữa.
Lý giải cho điều này thì đơn giản là mình thấy rất nhiều anh em công nghệ đang đầu quân cho các big corp. Những công ty này sẵn sàng trả anh em mức lương tốt hơn nhiều so với các startup. Môi trường làm việc cũng thuận lợi và ít rủi ro hơn rất nhiều.
Trong ngành này, chỉ cần có người tài, tạo điều kiện và lắng nghe họ thì lập tức sẽ có được kiến thức, kinh nghiệm trải nghiệm của các startup công nghệ mất cả chục năm trời để học và thử nghiệm.
2 - Tụt lại trong cuộc đua Educate Customers
Educate Customers là các hoạt động mà thương hiệu thực hiện để cung cấp thông tin, kiến thức và hướng dẫn cho khách hàng về sản phẩm, dịch vụ cụ thể.
Một big corp khi đã lên sàn thì rất khó để giải thích với cổ đông là tại sao lại đốt tiền dữ dội cho khách hàng. Trong khi startup với sự trợ lực đến từ VC (Venture Capital - Vốn đầu tư mạo hiểm), thì việc Educate Customers luôn là lợi thế vô cùng lớn.
Tuy nhiên anh em đã và đang góp phần rất nhiều vào việc thay đổi hành vi online của khách hàng. Giúp việc educate công nghệ cho khách hàng dễ dàng hơn. Đặc biệt khi một chị bán trà đá dùng apps ngân hàng thành thạo hay một bác xe ôm chuyển sang dùng Grab thì đủ để thấy các big corp với nguồn lực lớn sẽ dễ dàng educate khách hàng tốt như thế nào.
3 -The winner takes less
Hồi đầu khẩu hiệu winner take it all luôn là một định luật tất yếu trong ngành startup. Ví dụ như Google trong lĩnh vực tìm kiếm, facebook trong lĩnh vực mạng xã hội. Tuy nhiên càng ngày kẻ chiến thắng càng lấy ít hơn. Bởi đơn giản là rào cản gia nhập ngành công nghệ không còn cao.
Grab tưởng chừng như đã chiến thắng Uber thì ở đâu ra xuất hiện thêm Go jek, Be rồi Xanh. Mỗi một đối thủ lại chiếm lĩnh một nhóm khách hàng với những định vị khác nhau. Cán cân lệch về “cơ hội” ngày xưa nay lại lệch về “rủi ro” nhiều hơn.
Việc bạn thành công ngày hôm nay chỉ giúp các big corp và big tech có minh chứng chỗ đó là ngon và ra tiền nhiều. Bạn càng thành công thì họ càng sớm trở thành đối thủ của bạn mà thôi.
4 -Triết lý cứ có users là có tiền không còn đúng
Câu nói này là câu nói của một người anh mình rất kính trọng trong ngành. Nhưng càng về sau điều này càng thay đổi. Mình trải qua quá nhiều startup để thấy được là giai đoạn acquire users và giai đoạn monetization là giai 2 giai đoạn khác nhau.
Thậm chí bạn phải bỏ nhiều nguồn lực hơn để có thể monetization tập khách hàng của bạn. Nhưng nhiều khi, khách hàng của bạn lại là những người vốn đã quen với hình thức freemium hay nghiện nhận và sử dụng voucher, lúc thu phí sẽ cực kỳ khó khăn và vất vả.
5 - Thế giới ngày một trở nên nhỏ bé hơn nhiều
Ngày xưa cứ có mô hình nào ở nước ngoài thành công là anh em Việt Nam lao vào clone ngay lập tức. Thời điểm này anh em có đủ thời gian để đi trước mấy bước. Lợi thế localization cũng thể hiện rõ rệt qua ví dụ Grab đánh bay Uber ra khỏi Đông Nam Á.
Tuy nhiên những lợi thế này đang dần mất đi. Anh em giờ đây có rất nhiều trận đánh phải đánh trực tiếp với các đối thủ như Google, Microsoft đặc biệt là trong mảng phần mềm quản lý, CRM, ERP v..v…. Làn sóng AI tuy mới diễn ra cũng chứng kiến các AI đến từ nước ngoài xử lý ngôn ngữ tiếng Việt cực kỳ tốt và thành thạo.
Càng khiến mình thấy sự cạnh tranh đang ngày một trở nên khốc liệt. Chính các startup nước ngoài cũng đang chứng kiến cảnh các Big Tech mua bán sáp nhập, hoặc clone ngược lại để đánh bại đối thủ từ trong trứng nước.
6 - Quỹ mạo hiểm đã bớt mạo hiểm
Khi tham gia gọi vốn cho startup mình nhận thấy các VC giờ đây quan tâm rất nhiều vào khả năng monetization của startup (khả năng sinh ra tiền).
Đã có quá đủ bài học về việc nhiều startup đốt tiền đến chết mà không tạo ra giá trị thực tế gì cả. Việc này tạo ra một mâu thuẫn cực lớn là startup vừa phải chứng minh khả năng kiếm tiền lại phải chứng minh cả khả năng growth và scale ( tăng trưởng và mở rộng) tốt.
Nói thật là cái gì ngon và dễ thì cũng đã khai thác hết rồi, hoặc nếu nó còn thì big corp và big tech với nguồn lực research,
RnD tốt thì họ cũng đánh hơi trước cả anh em. Đây có lẽ là một trong những bài toán thách thức nhất mà anh em phải tìm cách giải.
Ngoài những thách thức kể trên, mình cũng dần nhận thấy có rất nhiều sự “dịch chuyển lớn” đang diễn ra, nó là điều cần thiết để anh em startup có thể sinh tồn được trong thời kỳ khó khăn và thử thách sắp tới.
Các dịch chuyển nổi bật của Startup công nghệ
1 - Sự dịch chuyển từ trải nghiệm tốt sang mô hình kinh doanh tốt
Đã từng có thời trải nghiệm tốt là điều sống còn của anh em làm sản phẩm công nghệ. Bởi ngày nay kiến thức là tiêu chuẩn UI/UX đã trở nên phổ biến. Việc làm một sản phẩm trải nghiệm tốt không còn là lợi thế cạnh tranh quá khác biệt.
Giờ khi sử dụng nhiều apps mình thấy việc làm apps ngon hơn, tốt hơn 1 chút không còn tạo ra khác biệt bằng việc có một lợi thế cạnh tranh và một mô hình kinh doanh sáng tạo khác.
2 - Sự dịch chuyển từ ngõ vào trong ngách
Trước đây anh em startup vốn ý thức về việc phát triển thị trường ngách rồi. Tuy nhiên càng ngày, anh em càng phải đi vào ngõ sâu hơn, đặc thù hơn.
Thị trường ngách (Niche Market) là một phân khúc thị trường nhỏ, không quá rộng hay phổ biến của một lĩnh vực kinh doanh.
Những thị trường đủ bé, những miếng mồi không đủ thơm ngon với các big corp và big tech. Nhưng anh em vẫn phải có tư duy về mở rộng, không ngừng suy nghĩ mở rộng thị trường và tập khách hàng như nào.
Cảm giác bạn vừa phải hít mùi chua và đắng của thị trường ngách nhưng vẫn phải tỉnh táo để có thể phi ra ngoài đường đủ nhanh đồng thời giữ giấc mơ sẽ phát triển đủ lớn.
3 - Sự dịch chuyển từ B2C sang B2B
Làn sóng dịch chuyển này mình bắt đầu cảm nhận được vào cuối 2019, nhưng sự dịch chuyển này càng trở nên mạnh mẽ. Gần đây mình có tham gia một sự kiện ngành marketing của tech startup và mình thực sự giật mình khi nhìn thấy gần như không có một startup B2C nào xuất hiện mà chủ yếu là cả chục cái startup B2B.
Hãn hữu lắm mới thấy một cái startup B2B2C. Thay vì đốt tiền marketing để acquire end users, thì các startup đang dịch chuyển sang việc sales performance khai thác các network mà mình có sẵn.
Sự thay đổi lớn về kỹ năng làm việc, hoạt động của nhân viên và đội ngũ lãnh đạo trong Startup
1 - Dịch chuyển từ “Gut feeling” sang “Data driven”
Với việc con người càng ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị thông mình thì cũng đồng nghĩa với việc thu thập hành vi người dùng càng trở nên dễ dàng hơn. Jeff Bezos từng nói rằng nếu tôi tranh luận với nhân viên thì tôi luôn thắng, nhưng nếu có data thì data luôn thắng.
Các lãnh đạo thiên về trực giác bắt đầu phải làm quen với việc phản biện cảm giác của mình bằng data nhiều hơn. Rất nhiều lần mình đã sử dụng data để chứng minh trực giác của mình là sai. Để rồi nhận ra rằng trực giác nó cũng vô cùng hên xui. Đừng bao giờ chủ quan tin vào nó quá mức.
2 - Dịch chuyển từ “làm việc nhiệt huyết” sang “suy nghĩ chiến lược”
Ngày xưa khi còn là vùng đất hoang, công thức thành công thì gần như không có hoặc có thì ko áp dụng được ở thị trường Việt Nam thì “Nhiệt huyết” chính là yếu tố sống còn. Bạn vừa phải thực thi thật nhanh, vừa phải học hỏi để quay lại sửa đổi sản phẩm và cách tiếp cận khách hàng.
Nhưng ngày nay khi cạnh tranh ngày một cao, các ý tưởng cơ bản đã định hình và rất nhiều công thức startup thành công đang tràn lan trên mạng thì bạn phải làm việc một cách thông minh hơn. Bởi giờ đây tiền bạc, thời gian với startup vốn đã hiếm thì nay càng trở nên hiếm hơn bao giờ hết. Chỉ cần một nước đi sai thì rất khó để bạn có thể quay lại và đi tiếp.
3 - Dịch chuyển từ Generalist (chuyên gia tổng quát) sang Domain expert (chuyên gia về một linh vực cụ thể)
Có 2 yếu tố cho việc dịch chuyển này một các ý tưởng cơ bản và các thị trường dễ đã bị khai thác gần hết. Kho báu đang nằm sâu trong các ngõ ngách và chỉ dành cho những người rất chuyên sâu ở một số lĩnh vực nhất định.
Bên cạnh đó sự cạnh tranh nhân sự ngày một tăng do nhóm nhân sự trẻ gia nhập và các nhân sự ngành truyền thống đổi ngành.
Tài liệu và kiến thức của ngành công nghệ đang ngày càng dễ tiếp cận hơn khiến việc chỉ cần hiểu nông vài lĩnh vực không còn đủ sức cạnh tranh trong thời gian tới.
4 - Sự dịch chuyển từ việc "do a lot" sang "super focus"
Cũng như ý ở trên khi mà vùng đất màu mỡ, cơ hội quá nhiều thì bạn càng ôm nhiều thứ, càng làm nhiều thứ thì càng có khả năng nắm bắt các cơ hội lớn càng cao. Nhưng khi thị trường đang ngày một cằn cỗi thì việc focus sẽ cực kỳ quan trọng.
Bởi việc làm nhiều cũng giống như cào hết thứ ngon trên bề mặt, còn super focus sẽ giúp bạn khoan thật sâu và chạm đến những thứ ngon lành đang ẩn giấu phía bên dưới.
5 - Sự dịch chuyển từ “manager” sang “expert”
Chính vì việc các VC không còn dễ dàng xuống tiền như trước nên các công ty khởi nghiệp ngày càng phải tinh gọn đội ngũ. Đặc biệt thời gian đầu chi phí nhân sự luôn là chi phí tốn kém nhất.
Ngoài ra việc quá đông nhân sự sẽ khiến thông tin đi qua quá nhiều tầng trung gian, trao đổi ngày một kém hiệu quả. Không những thế chúng ta đang chứng kiến làn sóng no code và low code đang trở nên mạnh mẽ kết hợp với công nghệ AI ngày một thực tế hơn khiến cho việc tinh gọn nhân sự trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Có lẽ mình đã viết hơi bị dài, thậm chí mình còn cảm thấy còn rất rất nhiều các thách thức và sự dịch chuyển mới trong lĩnh vực startup công nghệ.
Tuy rằng thị trường đang bước sang một trang mới khó khăn hơn. Nhưng mình tin rằng những startup thành công trong thời kỳ này thực sự là những startup xuất chúng, những người thực sự giỏi, sắc bén và cực kỳ thông minh.
Chính bản thân mình trong quá trình chiêm nghiệm biến động này, mình cũng nhận ra rất nhiều thành công trong quá khứ của mình là hoàn toàn dựa vào sự ăn may, gặp thời.
Giống như cách rất nhiều người lớn hơn mình ở thế hệ trước, đầu tư vào đất xong trở nên giàu có và ngộ nhận là mình rất tài năng. Nhưng sau này họ không thể lặp lại các thành công được như trong quá khứ.
Quá trình khủng hoảng và khó khăn của startup cũng giúp mình nhận ra điểm mạnh điểm yếu của bản thân mình, giúp mình trở nên khiêm tốn hơn, open hơn để học hỏi các kiến thức mới.
Đồng thời cũng giúp học cách suy nghĩ sâu hơn, tư duy logic và tư duy phản biện cũng ngày một phát triển. Mặc dù đến bây giờ thành tựu của mình không quá là lớn lao, và thậm chí đang đối mặt với nhiều nguy cơ.
Nhưng mình vẫn có niềm tin là chỉ cần luôn nỗ lực học hỏi, thay đổi không ngừng thì ít nhất vẫn có thể trụ lại một thời gian nữa với ngành công nghệ, biết đâu “may mắn” lại vớ được quả ngọt.
Chúc anh em startup luôn vững tay chèo, bình tâm trước những sóng gió. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Nếu mình là một startup và những con người tập trung vào giá trị thì dù cho có thách thức cỡ nào thì các bạn vẫn mãi luôn vững vàng và trường tồn với thời gian 🙂
Nguồn: Facebook - Group Devops