Skip to main content

Fintech là gì? Tìm hiểu chi tiết về Fintech

Fintech là chủ đề mới nổi gần đây và nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người thuộc lĩnh vực công nghệ và tài chính. Bài viết này sẽ là sẽ cho bạn cái nhìn về Fintech chuẩn

Fintech là gì?

Fintech là viết tắt của từ Financial Technology (công nghệ trong tài chính) được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng Internet, điện thoại thông minh, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động tài chính, ngân hàng và đầu tư.

Fintech = Finance (tài chính, tiền tệ) + Technology (công nghệ)

Lịch sử ra đời Fintech

Khi chuỗi các công ty Start-up lần lượt ra đời sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những cuộc cách mạng về công nghệ trong lĩnh vực tài chính đã trỗi dậy, thay đổi cách thức hoạt động của giới tài chính - ngân hàng nói riêng và thị trường tài chính trên thế giới nói chung.

Cùng lúc đó công nghệ thông tin và mạng Internet ngày càng phát triển vượt bậc hơn, thậm chí đã và đang len lõi vào từng ngành, lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.

Do đó đây cũng là lúc thuật ngữ Fintech ra đời.

Ban đầu, thuật ngữ này chỉ được dùng khi nói về hệ thống xử lý và lưu trữ dữ liệu (back-end) thiết lập mạng lưới người tiêu dùng của các tổ chức tài chính thương mại.

Và cho đến cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, thuật ngữ này đã được mở rộng để nói về bất kỳ đổi mới công nghệ nào trong lĩnh vực tài chính, bao gồm các cải tiến về tài chính và giáo dục, ngân hàng bán lẻ, đầu tư và thậm chí cả lĩnh vực tiền điện tử.

Theo các thông kê trên thế giới, kể từ năm 2013 tổng số tiền đầu tư vào Fintech đã lên đến 4 tỷ USD, và đến 2016 đã đạt 20 tỷ USD và đến nay con số đó đã vượt qua 120 tỷ USD.

Theo Chỉ số Fintech của EY, có đến một phần ba người tiêu dùng sử dụng ít nhất hai hoặc nhiều dịch vụ Fintech, và những người tiêu dùng này ngày càng nhận thức được Fintech như là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.

Tác động ngành tài chính từ ngày Fintech xuất hiện

Làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống:

Tác động lớn nhất là đối với ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng mà có thể thấy rõ qua xu thế phát triển mạnh trong những năm gần đây của mạng xã hội, ngân hàng kỹ thuật số, mobile banking, tablet banking, các kênh bán hàng qua internet,…

Tổ chức tài chính, ngân hàng điện tử "không giấy"

Việc xu hướng này trở nên phổ biến cũng sẽ trở thành thách thức không hề nhỏ đối với các ngành dịch vụ tài chính truyền thống trong việc giảm dần vai trò của các chi nhánh.

Đồng thời, sự cạnh tranh công nghệ tài chính hiện đại cũng sẽ trở nên gay gắt hơn trong các định chế tài chính.

Hỗ trợ các ứng dụng công nghệ cao

Các Big Data sẽ giúp phân tích hành vi khách hàng, giúp các định chế tài chính thu thập dữ liệu bên ngoài và bên trong. Điều này nhằm tiết giảm các chi phí, hỗ trợ quá trình ra quyết định, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng cho khách hàng.

Thị phần các ngân hàng có xu hướng giảm bớt, “nhường sân” cho các công ty Fintech

Dễ thấy nhất là thực trạng các ngân hàng hoàn toàn đứng ngoài cuộc trong dịch vụ tiền ảo Bitcoin – hệ thống tiền tệ mới có quy mô ngày một lớn mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Thị trường lao động lĩnh vực tài chính-ngân hàng có sự thay đổi

Công nghệ được dự đoán sẽ thay thế cho một lượng lớn nhân viên từ các tổ chức tài chính, bảo hiểm, công ty chứng khoán và ngân hàng,..

Thay vào đó, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao (giỏi cả về công nghệ thông tin lẫn chuyên môn nghiệp vụ tài chính) được chú trọng.

Nhóm sản phẩm chính của Fintech

Các sản phẩm trong Fintech thường được chia thành 2 nhóm phân theo đối tượng sử dụng:

+ Nhóm thứ nhất: các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, các công cụ kỹ thuật số và công nghệ khác để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup.

+ Nhóm thứ hai: các sản phẩm công nghệ “back-office” nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các Fintech và các định chế tài chính.

Về cơ bản, ngoài những dịch vụ thông thường như thanh toán, cho vay, chuyển tiền, Fintech còn cung cấp các dịch vụ trải rộng hơn như gọi vốn cộng đồng (crowd-funding), cho vay ngang cấp (peer to peer lending), tư vấn tài chính cá nhân (Personal Finance), công nghệ bảo hiểm (Insur-Tech), tiền tệ số (Crypto Blockchain), quản trị dữ liệu (Data Management),…

Các nhóm đối tượng của Fintech là ai?

Thông thường, trong một thị trường tài chính cơ bản sẽ có 2 đối tượng bao gồm: Các định chế tài chính và khách hàng.

Tuy nhiên với Fintech thì sẽ nhóm đối tượng sẽ có 3 nhóm, những nhóm này sẽ giữ mối quan hệ và tác động qua lại lẫn nhau. Cụ thể các nhóm đối tượng của Fintech bao gồm:

+ Các công ty Fintech: 

Nhóm này bao gồm các công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cho dù không hoạt động trong ngành tài chính tuy nhiên họ lại cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới cho lĩnh vực tài chính.

Chính vì vậy, khách hàng của các công ty Fintech sẽ là những bên sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Đó có thể là các định chế tài chính hoặc khách hàng sử dụng cuối cùng.

+ Các định chế tài chính:

 Đây là nhóm đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất, là tập hợp của ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm, chứng khoán, công ty tài chính,…

Trong đó đây là bên xây dựng được hợp tác sâu rộng với các công ty Fintech nhất. Do yếu tố công nghệ đang ngày càng phát triển và trở nên quan trọng hơn. Mặt khác, các định chế tài chính cũng là những bên đầu tư trực tiếp vào các công ty Fintech, mục đích là để nắm giữ được các công nghệ mới một cách chủ động, từ đó có thể chiếm lĩnh được thị trường.

+ Khách hàng: 

Đây là bên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính nói chung. Khi công nghệ mới được áp dụng và phát triển, các định chế tài chính, các công ty liên tục phải cạnh tranh để giành được nó nhằm tạo ra lợi thế.

Vô hình chung điều đó đã giúp khách hàng trở thành bên được hưởng lợi nhiều nhất từ sự cạnh tranh giữa các công ty.

Tiềm năng của Fintech 

Chúng ta đang sống trong giai đoạn 4.0 và đang chứng kiến sự chuyển đổi và phát triển mạnh mẽ của công nghệ, rất nhiều lĩnh vực giờ đây đều đã và đang áp dụng sự tiến bộ của công nghệ. Và lĩnh vực tài chính cũng không đững ngoài xu hướng này.

Các công nghệ sẽ còn tiếp tục phát triển trong tương lai, điển hình là sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) hay dữ liệu lớn (big data), tất cả sẽ hỗ trợ trong việc phân tích và dự đoán hành vi của người dùng.

Những ứng dụng của Fintech sẽ không chỉ dừng ở việc tìm hiểu thói quen người dùng, thêm vào đó nó còn có thể khuyến khích họ đưa ra những quyết định chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư hiệu quả hơn.

Tiềm năng mở rộng của Fintech trong tương lai là vô cùng lớn. Nhiều sáng kiến ​​Fintech có tầm ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực thương mại, ngân hàng, tư vấn tài chính và sản phẩm tài chính.

Rủi ro tiềm ẩn của Fintech là gì?

Đi cạnh với những tiềm năng to lớn là những rủi ro của Fintech phải đối mặt.

Nhiều người vẫn cho rằng Fintech không thể nào có thể thay thế được vai trò của các ngân hàng truyền thống do những điểm hạn chế nhất định như sau:

+ Bởi chi phí đắt đỏ nên những hộ gia đình có thu nhập thấp khó có thể tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng này 

+ Sự hoài nghi về Fintech, một thứ còn xa lạ với rất nhiều người khiến cổ phiếu của các công ty Fintech thường lên xuống thất thường, đây là dấu hỏi lớn khiến nhiều người nghi ngờ về tính ổn định cũng như những rủi ro mà Fintech có thể mang đến.

+ Việc các công ty Fintech cung cấp đa dạng các dịch vụ, sản phẩm về tài chính cho khách hàng cũng có những điểm hạn chế nhất định. Chính bởi sự thuận tiện quá mức cũng khiến khách hàng nhiều khi không thực sự hiểu rõ được các quyền và nghĩa vụ của bản thân.

+ Tính an toàn, bảo mật và độ tính chính xác của hệ thống Fintech cũng đang bị nhiều người hoạt nghi.

Tuy vậy, tính tới thời điểm hiện tại, fintech vẫn được xem là hình thức tài chính đảm bảo độ an toàn, uy tính trên thị trường Việt Nam và Thế giới.

Một số lĩnh vực có mặt của Fintech

Như đã biết ở trên Fintech là một thuật ngữ mới và khá rộng nên không có lĩnh vực cụ thể nào rõ ràng về Fintech, chính vì vậy một số lĩnh vực lớn của Fintech góp mặt như:

  • Tiền điện tử (Cryptocurrency)
  • Công nghệ Blockchain
  • Hợp đồng thông minh (Smart contract):
  • Ethereum: Một dạng khác của Blockchain, là nền tảng của loại tiền ảo Ether
  • Ngân hàng mở: Là một khái niệm được dựa trên Blockchain và thông qua việc hợp nhất dữ liệu của bên thứ ba và các thuật toán. Mục đích là để xây dựng các ứng dụng mạng lưới kết nối của các tổ chức tài chính với bên nhà cung cấp thứ ba.
  • Insurtech: Viết tắt cho công nghệ bảo hiểm (Insurance Technology). Áp dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ bảo hiểm, giúp đơn giản hóa quy trình và nâng cao hiệu quả.
  • Regtech: Viết tắt của Regulator Technology. Đây là loại hình công nghệ giúp các công ty dịch vụ tài chính tuân thủ chính xác những quy tắc trong ngành, đặc biệt là về vấn đề chống rửa tiền và chống gian lận. 
  • Robo-advisors: Sử dụng thuật toán để đưa ra những tư vấn, hỗ trợ cho người dùng. Từ đó giúp họ đưa ra những quyết định chính hợp lý, giảm bớt được chi phí quản lý
  • Unbanked/Underbanked: Là dịch vụ hỗ trợ, phục vụ những cá nhân không có khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Lý do có thể do hoàn cảnh khó khăn hoặc thu nhập thấp.
  • An ninh mạng: Việc hacker và các tội phạm mạng liên tục hoành hành đã khiến Fintech và An ninh mạng kết hợp với nhau để bảo tính bảo mật trong môi trường không gian mạng.

Fintech tại Việt Nam

Không nằm ngoài vòng quay phát triển của Fintech toàn cầu, Việt Nam những năm trở lại đây cũng chứng kiến sức phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của lĩnh vực Fintech.

Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới và mở cửa, bức tranh kinh tế – xã hội đã có những bước chuyển biến ngoạn mục. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm một cách ấn tượng. Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình từ năm 2010.

Cùng với tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, hệ thống các tổ chức tín dụng đã phát triển mạnh mẽ với mạng lưới trải rộng khắp cả nước, cung cấp các dịch vụ ngày càng đa dạng cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong khi người dân ở thành thị và các doanh nghiệp lớn khá dễ dàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng thì những người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người di cư ra thành thị cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp một số trở ngại khi tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân, tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững.

Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai các nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững. Từ năm 2016, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đã được giao làm cơ quan đầu mối điều phối chung về tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Theo đó, NHNN đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện ở Việt Nam. Bằng việc xây dựng chiến lược rõ ràng về tài chính toàn diện, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có tính đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện và bền vững.

Việt Nam được đánh giá là thị trường có dân số đông và trẻ, hơn một nửa dân số sử dụng Internet và mạng xã hội, tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại di động ở mức cao, đặc biệt xu hướng sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng.

Trong khi đó, chỉ có hơn 30% số người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Vẫn còn những phân khúc khách hàng chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

NHNN và hệ thống các ngân hàng Việt Nam đã nhìn nhận được tiềm năng, cơ hội và tiện ích mà FinTech đem lại, nhanh chóng nắm bắt các cơ hội  sử dụng công nghệ hiện đại để phát triển sản phẩm đa dạng, thuận tiện hơn, mở rộng  độ bao phủ tới nhiều phân khúc khách hàng với chi phí thấp hơn.

Từ năm 2008, NHNN đã cho phép các công ty không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm, với các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới như ví điện tử… Đến nay, NHNN đã cấp phép hoạt động thanh toán cho hơn 20 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

NHNN cũng cho phép thử nghiệm một số mô hình hợp tác giữa ngân hàng và các đối tác phi ngân hàng để cung cấp các dịch vụ ngân hàng đại lý/ngân hàng di động. Với sự bùng nổ và tiện ích của công nghệ tài chính, NHNN đã ủng hộ sự hợp tác giữa các công ty FinTech và ngân hàng ở Việt Nam để tạo nên sức mạnh cộng hưởng, đáp ứng nhu cầu phát triển năng động của thị trường, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.

Ngày 16/3/2017, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính để tham mưu, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái và khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FinTech ở Việt Nam phát triển.

Để công nghệ tài chính thực sự góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, NHNN đã bước đầu triển khai nghiên cứu một số lĩnh vực FinTech, làm cơ sở xây dựng các chính sách phù hợp, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo sự phát triển hài hòa của FinTech và ngân hàng, kiểm soát rủi ro, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Tiếp thu kinh nghiệm quản lý FinTech ở một số nước, NHNN dự kiến xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho hoạt động FinTech ở Việt Nam.

Đến nay Việt Nam đã có hơn 100 công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam tăng hơn 2 lần so với năm 2016.

Trong đó có 48% công ty tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số (2C2P, VTPay, OnePay, VTCPay, BankPlus,VinaPay, VNPay, Senpay, NganLuong, ZingPay, BaoKim, 123Pay…).

Một số ít công ty hoạt động trong lĩnh vực gọi vốn (FundStart, Comicola, Betado, Firststep), chuyển tiền (Matchmove, Cash2vn, Nodestr, Remittance Hub), Blockchain (Bitcoin Vietnam, VBTC Bitcoin, Copyrobo, Cardano Labo), quản lý tài chính cá nhân, quản lý POS, quản lý dữ liệu, cho vay và so sánh thông tin (Mobivi, Money Lover, Timo, kiu, Loanvi, Tima, TrustCircle, Hottab, SoftPay, ibox, BankGo, gobear…).

Không những là các startup Fintech mới nổi tham gia mà ngay cả các ngân hàng truyền thống như BIDV, Vietinbank, TPBank,... cũng đã tham gia và không ngừng phát triển dịch vụ của mình.

Thách thức của Fintech Việt Nam

Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội phát triển công nghệ tài chính Fintech tại Việt Nam vẫn còn không ít thách thức:

+ Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa thực sự đầy đủ, chính xác nhất là đối với những công nghệ mới. Thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển nhanh chóng mặt của công nghệ.

+ Thứ hai, cơ sở hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bảo mật.

+ Thứ ba, các doanh nghiệp Fintech thường gặp khó khăn về mô hình kinh doanh, mô hình quản trị cũng như đường hướng phát triển lâu dài, điều này khiến cho doanh nghiệp khó có thể phát triển lớn mạnh.

+ Thứ tư, ý thức của người tiêu dùng sản phẩm Fintech còn hạn chế, đôi khi tạo ra những “lỗ hổng bảo mật”. Người dân còn chưa có ý thức trong việc bảo mật những thông tin cá nhân như họ và tên, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số tài khoản… Điều này làm gia tăng mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến tài khoản của chính người tiêu dùng cũng như các tổ chức tài chính.